Người Dành Cả Đời Gìn Giữ Nhà Cổ Hơn 100 Tuổi ở TP.HCM
Căn nhà cổ ở mặt đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) được xây dựng năm 1920. Sau 103 năm, đây là công trình hiếm hoi còn giữ được kiến trúc nguyên bản, chưa đổi chủ.
Nằm giữa góc ngã ba giao với phố thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông, nhà cổ số 65 Triệu Quang Phục (phường 10, quận 5) gây ấn tượng bởi nét kiến trúc Pháp, với cửa sổ vòm cao theo lối Gothic.
Căn nhà thuộc sở hữu của ông Võ Văn Thái (90 tuổi). Trò chuyện với Zingnews, ông Thái cho biết công trình được xây dựng từ năm 1920, sử dụng bản đồ thiết kế kiến trúc của Pháp.
“Chủ thầu xây dựng ban đầu là người Ấn Độ, sau đó được bố vợ tôi, một thương nhân người Hoa, mua lại. Trước đây, bố tôi mở cửa hàng bào chế thuốc bắc ở đây, với tên gọi là Đức Ái Dược Hàng. Vì vợ tôi là con một, căn nhà sau này được để lại cho tôi”, ông Thái kể.
Căn nhà 103 tuổi, nơi sinh sống của 5 thế hệ trong gia đình ông, đã chứng kiến nhiều biến chuyển của các giai đoạn lịch sử.
Nhà có 4 tầng nằm ở vị trí đắc địa, tầng một trước đây được một công ty dược thuê làm mặt bằng. Sau khi hết hạn hợp đồng, dù có nhiều người tới hỏi, ông không muốn tiếp tục cho thuê vì việc quản lý khó khăn, phức tạp.
Bước lên tầng hai, bên phải cầu thang là phòng của ông Thái. Gian phía trong là phòng khách, khu vực sinh hoạt chung của gia đình. Ngồi trên chiếc võng kê giữa phòng, ông hào hứng kể về từng chi tiết kiến trúc và lịch sử của căn nhà.
Ông chỉ xuống nền gạch đã có tuổi đời cao nhưng không viên nào nứt vỡ. “Nhà của mình nên mình chăm sóc, giữ gìn. Trước đây, gạch này màu trắng, nhưng theo thời gian giờ đã lộ ra lớp xi măng xám bên trong, nó cũng nhám hơn chứ không còn nhẵn bóng”, ông nói.
Giống như tuổi căn nhà, nhiều đồ đạc bên trong, từ tủ quần áo đến bàn ghế cũng là đồ cổ. Vị chủ nhân phải ghi nhớ năm tuổi của chúng bằng cách lần lại các dấu mốc lịch sử.
Trong phòng khách còn lưu giữ bộ bàn ghế được đặt mua từ Thượng Hải (Trung Quốc) vào năm 1920, vận chuyển về Việt Nam bằng đường biển, đồng bộ với nội thất khi xây nhà. “Bàn ghế này đóng bằng gỗ sưa, loại gỗ người ta vẫn gọi là ‘không tuổi’. Sau từng ấy năm, không cái nào bị gãy hay mối mọt, dùng càng lâu càng bóng. Tiếc là trong thời kỳ chiến tranh, một số cái đã bị phá hỏng, thất lạc", ông Thái nói.
Góc phải kê một chiếc tủ sách có tuổi đời 60 năm. “Tủ này mua của Mỹ, đâu đó khoảng năm 1963. Đó cũng là năm tôi chuyển lên làm ở phi trường Biên Hòa”, ông Thái nhớ lại.
Nhiều khu vực như nhà vệ sinh, nhà bếp nhìn khá lụp xụp, xuống cấp theo thời gian. Tuy nhiên, ông Thái cùng gia đình vẫn giữ nguyên thiết kế cũ và sắp xếp đồ đạc một cách ngăn nắp.
Những ô cửa sổ với màu sắc sặc sỡ cũng là điểm đặc biệt trong kiến trúc căn nhà. Ông kể năm 1968, trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân, một số ô cửa sổ của căn nhà bị đạn bắn nát, không thể nào tìm được loại kính màu tương tự, ông đành thế vào bằng loại kính thường. |
Những khung sắt hoen gỉ nhưng vẫn khá chắc chắn bên ngoài lan can tầng 3 là nơi từng cắm cờ của 3 chính quyền khác nhau vào thời Pháp thuộc. |
Trục đường Hải Thượng Lãn Ông và khu vực chợ Bình Tây, thuộc thành phố Chợ Lớn trước đây, vẫn còn nhiều công trình kiến trúc kiểu Pháp. Phần lớn trong số đó đã đổi chủ nhiều lần, hoặc được sửa sang. Nhà của ông Thái là công trình hiếm hoi còn giữ được kiến trúc ban đầu, chưa từng đại tu.
THheo. Tạp Chí Tri Thức