Ngôi Nhà Cổ Hơn 200 Năm Tuổi Ở Đà Nẵng
TPO - Dù trải qua năm tháng chiến tranh khốc liệt, nhà cổ Tích Thiện Đường (thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) vẫn được lưu giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay, trở thành điểm đến bình yên, mang mác hồn xưa bởi kiến trúc độc đáo, đặc trưng của người xưa.
Cách trung tâm TP. Đà Nẵng với quãng đường gần 20 km về hướng tây, ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường nằm ẩn mình bên làng cổ Túy Loan như một nhân chứng sống thầm lặng ngắm nhìn cuộc sống đổi thay theo năm tháng. |
Ông Đỗ Hữu Minh (SN 1956) là đời thứ 4 chăm lo và gìn giữ cho nhà cổ Tích Thiện Đường cũng là chủ nhân của ngôi nhà cổ hiện nay. “Vùng này ngày xưa là vùng chiến tranh bom, đạn khốc liệt. Nhưng may mắn thay, trải qua bao cuộc chiến thời Pháp, thời Mỹ và cả những yếu tố môi trường như mưa gió, bão lũ… nhưng căn nhà vẫn tồn tại tới bây giờ. Đến giờ, ngôi nhà mà ông cố nội tôi để lại cho con cháu vẫn trường tồn, được nhiều người quan tâm và đánh giá cao bởi niên đại cũng như có kiến trúc độc đáo, mang nhiều giá trị lịch sử”, ông Minh chia sẻ |
|
Ngôi nhà hơn 200 năm tuổi này đi qua năm tháng bom, đạn nhưng vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp xưa cho đến tận bây giờ. |
|
Được biết ngôi nhà do chính tay các nghệ nhân của làng mộc Kim Bồng (TP. Hội An, Quảng Nam) vang danh một thời thiết kế và xây dựng. Nhà 3 gian 2 chái cùng 2 chái phụ, được cố định bởi 56 cột lớn trong khi các ngôi nhà cổ khác ở miền Trung thường chỉ có 36 cột lớn. |
Cùng với hệ thống kèo, xà nhà, lợp mái âm dương… những nghệ nhân đã tạo nên ngôi nhà vững chắc, thoáng mát cùng nét hoa văn đặc sắc. |
Các cây cột lớn đều sử dụng gỗ cây mít khác so với các nhà cổ ngoài miền Bắc thường sử dụng gỗ lim hay gỗ gõ. Gỗ mít khắc họa lên vẻ đẹp mộc mạc nhưng đầy uy nghi, cổ kính. |
Những thanh gỗ được chạm khắc hình đầu rồng không chỉ làm đẹp kiến trúc, mà còn thể hiện quyền lực và đẳng cấp xã hội của gia chủ. |
Ngoài ra, linh vật rồng được tạo hình trên gỗ là để cầu may mắn và thịnh vượng cho gia đình. |
Đặc biệt, ngôi nhà từng là nơi trú ẩn của nhiều chiến sĩ cách mạng thời kháng chiến. Trong phòng ngủ chính, một hầm trú ẩn được thiết kế thông ra phía sau vườn với sức chứa khoảng 10 người. |
Ngoài ra, gác mái cũng được thiết kế bí mật để làm nơi trú ẩn của những cán bộ cách mạng mỗi khi địch truy lùng với sức chứa khoảng 15-20 người. |
Đường luồng nối 2 chái nằm phía sau 3 gian chính thuận tiện cho việc đi lại. |
Các đồ vật dụng được ông Minh sưu tầm được bài trí trong và xung quanh ngôi nhà, tạo nên bức tranh sinh động về ký ức xưa tại nơi đây. |
Mỗi năm Tết đến, “cụ” mai sẽ cho ra những bông hoa vàng ươm trước nhà tạo ra quang cảnh đồng quê xa xưa, man mác sự ấm cúng, bình yên trong mỗi người khi ghé thăm. |