Nét Đẹp Nhà Xưa Nam Bộ

Những căn nhà xưa từng là niềm tự hào của gia tộc, thậm chí của cả một vùng, trải qua nhiều thế hệ vẫn được “hậu bối” gìn giữ gần như nguyên vẹn.

Nhà xưa lưu lại dấu ấn của văn hóa, lịch sử, một phần đời sống tinh thần của tiền nhân… và hội tụ nét đẹp truyền thống riêng biệt của người Nam Bộ.

Trong nhiều căn nhà xưa, gia chủ cũng không đoán chắc được độ tuổi của các vật dụng kỷ niệm một thời huy hoàng như: tủ, bàn, ghế, khánh, trang… chỉ biết chúng được làm từ nhiều loại gỗ quý và đến nay vẫn còn rất chắc chắn.

Không chỉ vậy, về tổng thể, nhà xưa là một công trình tuyệt tác của các nghệ nhân để lại, tồn tại dưới 2 cấu trúc phổ biến: sàn gỗ và nhà tường.

Nhà gỗ mang vẻ đẹp mộc mạc, sử dụng kỹ thuật đóng kèo và đòn tay. Từng chi tiết trong nhà được trạm trổ khéo léo, kết nối chặt chẽ tạo nên không gian hài hòa. Nhà gỗ xưa không sơn nhiều màu mà sử dụng chính màu của những loại gỗ tốt để tôn lên nét đẹp tổng thể.

Điểm nhấn là nội thất với bao lam, hoành phi, câu đối, đại tự bằng chữ Hán Nôm son thép vàng hoặc cẩn xà cừ tạo màu sắc đẹp và trang nghiêm, chỉ số ít nhà để mộc.

Đề tài chạm khắc trên bao lam là mai, lan- cúc- trúc, phước- lộc- thọ, chim muông… mang chiều sâu triết lý, tâm tư, tình cảm của thợ cũng như gia chủ. Đặc biệt, một số vật dụng như: khánh thờ, trang thờ, liễn đối có cẩn ốc hết sức công phu.

Nhờ sự gìn giữ của “hậu bối”, nhiều ngôi nhà xưa hiện nay còn nguyên vẹn vật dụng giá trị, đặc biệt là nội thất có kiến trúc nghệ thuật tinh xảo

Những mảng bao lam, vách ngăn qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân được chạm khắc tranh hoa lá, cỏ cây cùng các loài chim thú tiêu biểu của vùng đất phương Nam.

Nhắc đến những điểm hội tụ nhà xưa khá nhiều là cù lao Bình Thủy (Châu Phú,  An Giang), nay còn khoảng 30 căn, được xây dựng trong khoảng những năm cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, có quy mô và giá trị nghệ thuật khác nhau.

Nhà xưa nhất cù lao là “Hồ phủ đường” được cất từ năm 1890, hiện nay do bà Hồ Thị Như Hoa trông coi, toàn bộ bằng gỗ, trong đó tủ thờ, cột nhà, bàn, ghế được làm bằng nhiều loại gỗ quý như: căm xe, cà chắc, gõ…

Đây là ngôi nhà sàn gỗ, 3 gian 2 chái, mái lợp ngói âm dương, gian chính được trang trí các hoành phi và liễn đối, tủ thờ cẩn xà cừ lấp lánh. Bà Hoa cho biết, hiện nay có nhiều hạng mục đã xuống cấp bởi thời gian.

Vì được cất từ lâu đời bởi những người thợ lành nghề nên hiện nay muốn sửa chữa những chỗ hư hỏng trong nhà gia chủ phải lựa chọn thợ rất kỹ, có khi không tìm được nguyên liệu như bản gốc nhưng đường nét, chi tiết phải giống đến 90%.

Những ngôi nhà xưa hiện nay không chỉ là tài sản quý giá thuộc hộ gia đình, mà đã trở thành “di sản” phục vụ du lịch, tham quan, nghiên cứu. Ngôi nhà của ông Tôn Thất Đính (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên,  An Giang) là một điển hình.

Ông Đính cho biết, căn nhà có tuổi thọ gần 120 năm, được dựng toàn bằng gỗ căm xe, giá trị thời điểm xây dựng ngang với gần trăm mẫu ruộng. Nước thời gian tô lên toàn bộ nội thất một màu đen huyền đẹp khó tả, nhờ được bảo quản cẩn thận, mọi thứ còn bền chắc gần như nguyên vẹn.

Ông Đính tham gia mô hình du lịch homestay trong chính ngôi nhà xưa này, ông thiết kế thêm phòng ngủ, trước sân cải tạo lại hoa kiểng, hàng rào, làm vườn lan nhỏ.

Từ khi làm du lịch, ông giảm bớt việc làm vườn để đón khách, bài trí không gian để khách tự chế biến món ăn, sinh hoạt đờn ca tài tử, tăng thu nhập đáng kể.

Liền kề với nhà ông Đính, cặp theo cầu Rạch Rít còn có 4 nhà xưa thực hiện mô hình homestay theo phong cách tương tự. Theo thống kê chưa đầy đủ, cù lao Mỹ Hòa Hưng có gần trăm căn nhà xưa.

Không gian sống của người dân nơi đây vẫn còn đậm chất quê, người và vật đều phủ màu xanh mát của cây cối, sự yên tĩnh, những ngôi nhà mái ngói cổ kính ẩn sau hàng rào bằng cây xanh được tỉa tót thẳng tắp là nét văn hóa đặc thù thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Ngôi nhà xưa làm mô hình homestay của ông Tôn Thất Đính
Ngôi nhà xưa làm mô hình homestay của ông Tôn Thất Đính

Một kiểu nhà xưa khác là nhà xây tường kiến trúc Pháp rất đẹp, hiện nay vẫn còn khá nhiều, rải rác hầu hết các địa phương.

Nhà cũng có 3 gian, 2 chái, mái lợp ngói âm dương như nhà thuần Việt, khác biệt ở chỗ chịu ảnh hưởng kiến trúc Pháp nên nền lót gạch tàu hoặc gạch bông, trước nhà có thảo bạt.

Những ngôi nhà mang kiến trúc này thường quy mô, diện tích lớn, nội thất đẹp, nhiều cổ vật được gìn giữ, tôn tạo, bao lam được chạm trổ tinh xảo với nhiều đề tài thể hiện học thức của chủ nhân ngày xưa khá cao và sâu rộng, vốn là những hộ khá giả trong vùng. Nội thất đan xen kiểu trang trí Việt-Pháp nhưng vẫn đăng đối, hài hòa.

Nhìn từ bên ngoài, yếu tố phương Tây rất rõ nét với vách xây tường, cột hàng ba bằng xi măng, cửa vòm, nhiều căn hiện nay trở thành từ đường của dòng họ, phân công thành viên trông coi, bảo quản cẩn thận.

Trong những dịp giỗ chạp, tết, con cháu tụ hội về, từ đường là nơi tái hiện những nếp sinh hoạt truyền thống, chứa đựng nhiều giá trị tốt đẹp về mặt tinh thần, văn hóa ứng xử. Có thể kể đến như: Lê Công Phủ (TP. Châu Đốc), Dương Công Phủ (Châu Phú, Chợ Mới), Phan Công Phủ (Phú Tân)…

Là những công trình nghệ thuật tinh xảo, nhà xưa cô đọng yếu tố văn hóa dân gian không chỉ đóng vai trò tích cực trong đời sống người xưa trước đây mà còn có ý nghĩa trong đời sống xã hội hôm nay.

Nhiều căn nhà xưa hiện nay được sinh viên, nghiên cứu sinh tìm về để nghiên cứu kiến trúc, văn hóa, giải nghĩa và phân tích các chữ Hán Nôm để bổ sung vào kho kiến thức văn hóa đã tích lũy được. Đó là vốn cổ mà thế hệ tiền nhân để lại cho chúng ta.

Theo Báo An Giang

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên